Gặt lúa mùa vàng ở 'đất kim cương' sát bờ sông Sài Gòn

Đứng bên kia cầu Phú Mỹ, nhìn sang phía phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP.HCM) là các thảm lúa vàng óng ả đang mùa thu hoạch. Đây cũng là dịp "biệt đội" cắt lúa thuê từ miệt dưới lên kiếm tiền ăn Tết.
Mùa lúa vàng ở 'đất kim cương' - Ảnh 1.

Cánh đồng lúa chín vàng ở phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: AN VI

Tiếng nói cười vui vẻ của đám người làn da rám nắng, lấm tấm mồ hôi nhấp nhô dưới ruộng. Trong gió lạnh cuối năm phảng phất mùi thơm của lúa chín, mùi ngai ngái bùn đất không lẫn vào đâu được.

Mùa lúa chín bên khu biệt thự cao cấp

Ở khu đất "kim cương" giá cao ngất ngưởng sát bờ sông Sài Gòn và quận 1 này lại có những nông dân gắn bó hàng chục năm với ruộng đồng.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Sanh (68 tuổi) tự nhận mình nông dân chính hiệu bởi từ năm mười mấy tuổi họ đã lon ton theo cha trên cánh đồng bát ngát dọc khu Cát Lái, quận 9 cũ… Rồi ông lập gia đình, tiếp tục gắn bó với hương lúa.

"Thiệt tình mình cũng học ít, giờ hổng biết làm gì, thôi thì quen nghề lúa với cha hồi xưa nên tiếp tục cho dễ. Nhưng tui không muốn mấy đứa nhỏ trong nhà theo nghề. Đứa nào học được tui ráng cho học, còn mấy đứa lớn thì bắt đi làm công ty cho đỡ cực", ông Sanh chia sẻ.

Cánh đồng ông đang mần có diện tích khoảng 3 mẫu. Ông nói do đã quy hoạch, chứ lúc trước rộng thênh thang. Chừng 5h sáng, trong chòi dựng giữa bờ ruộng, vợ chồng ông pha ấm trà chờ công làm đến bắt đầu ngày gặt mới.

Nói rồi, ông cầm liềm ra ruộng, cắt mỗi góc một đầu làm dấu để máy gặt đập thu hoạch đúng đường. 68 tuổi, chân ông Sanh vẫn thoăn thoắt bước vội xuống ruộng gặt những chòm lúa còn sót.

Đôi chân trần lún dưới bùn sâu tới tận gối, giơ mấy chòm lúa lên, ông than thở: "Gặt kỹ kỹ cho tao đi tụi bây, sót gì dữ vậy, uổng lắm!".

Ông Nguyễn Văn Sanh có 3 mẫu lúa, ước tính lời khoảng 60 triệu đồng mỗi năm

Nói về điểm khác biệt khi gặt lúa dưới quê và trên thành phố, anh Kim Nhạn (34 tuổi, ngụ Sóc Trăng) cười nói: "Tiền cao hơn chứ còn gì nữa!".

Theo anh, đất ruộng ở đây nhiều sình hơn, máy chạy khó, nhiều lúc vác bao lúa sình lún quá đầu gối, di chuyển rất khó khăn. Còn phần của mấy ông xe gặt, nhìn nhàn vậy chứ bụi bay vào mắt mũi liên tục, không cẩn thận cũng đứt tay đứt chân như chơi.

Nếu chủ nhận được nhiều ruộng, anh Nhạn cùng đội ở lại thành phố gặt suốt một tháng, thu nhập mỗi người dao động từ 13 - 18 triệu đồng. "Nói chứ cũng đỡ, lên đây một tháng kiếm tiền về ăn Tết, chứ dưới quê mùa này chưa có thu vụ đông - xuân, khó tìm việc mần mướn", anh Minh thiệt thà nói.

Săn chuột đồng ở phố

Mùa lúa vàng ở 'đất kim cương' - Ảnh 4.

Tranh thủ bắt thêm chuột đồng để cải thiện bữa ăn xa nhà

Cả nhóm 8 người đều là dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, họ cũng chẳng muốn xa quê lên đây ở trọ ngột ngạt, nhưng vì mưu sinh, đặc biệt là kiếm tiền cho gia đình dịp Tết sắp tới, nên bấm bụng xa nhà lên phố mần ruộng.

Bữa cơm gói ghém của cả nhóm có 6 lon gạo, sức dân lao động ai cũng hừng hực. Để cải thiện bữa ăn, cả nhóm sau khi dùng cơm trưa liền trổ tài bắt chuột đồng.

Ở đây chẳng cần chó mèo gì săn hết, hễ thấy bờ đất bị bể là biết chắc tụi chuột moi đất làm hang. Vừa đào hang chuột, anh Minh đè đầu nó xuống, bắt sống. Lúc lúa chín như thế này, chuột sinh sản nhiều, mỗi ngày gặt anh bắt 4-5 con là bình thường.

Mùa lúa vàng ở 'đất kim cương' - Ảnh 5.Nông dân miền Tây giăng bẫy bắt chuột đồng mùa gặt lúa

Những người nông dân ở Đồng Tháp giăng bẫy bắt được hàng trăm con chuột đồng trên ruộng lúa mùa gặt khiến nhiều người xem thích thú.