Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học có bể bơi

Mục tiêu nhằm tăng cường phòng chống đuối nước, nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ bị đuối nước.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 1717 phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035.

Theo đó, chương trình được triển khai nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh nhằm nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ bị đuối nước.

Bảo đảm điều kiện và tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho học sinh để tăng tỉ lệ học sinh biết bơi và biết kỹ năng phòng, chống đuối nước, góp phần làm giảm tỉ lệ học sinh bị đuối nước.

"Phao" giúp trẻ em thoát đuối nước trong kỷ nguyên số

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước cho học sinh và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2035.

Đến năm 2030, 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước và đạt tỉ lệ 90% vào năm 2035.

Về tổ chức hiệu quả dạy bơi an toàn, đến năm 2030, tối thiểu 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn. Đến năm 2035, tối thiểu 70% học sinh lớp 5, 80% học sinh lớp 9 và 90% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn.

Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học có bể bơi - Ảnh 1.

Dạy bơi an toàn giảm thiểu đuối nước cho học sinh.

Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 70% xã/phường/thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.

Quyết định nêu rõ các giải pháp, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh. Trong đó có xây dựng, chuẩn hóa nội dung, số hóa các tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng cán bộ quản lý, giáo viên; cha mẹ học sinh; học sinh theo từng cấp học.

Tổ chức thường xuyên các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhà giáo, cha mẹ học sinh, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân liên quan và học sinh về phòng, chống đuối nước. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông phù hợp với từng đối tượng và đặc thù vùng miền, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương.

Về đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường. Nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch, từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt và duy trì hoạt động hiệu quả các bể bơi trong trường học (bao gồm cả bể bơi cố định hoặc bể bơi di động và trang thiết bị, dụng cụ học bơi, cứu đuối, công trình phụ trợ liên quan) để phục vụ dạy bơi an toàn cho học sinh.

Đầu tư theo từng trường, theo cụm trường hoặc đầu tư xây dựng bể bơi tại cộng đồng để phục vụ chung cho việc dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.

Cùng với đó, các nhiệm vụ, giải pháp về bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người làm công tác y tế trường học; tăng cường phối hợp liên ngành giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân liên quan; xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá cũng được nêu rõ trong Quyết định này.