Chị Phùng Vũ Uyên - trưởng nhóm thiện nguyện Sun For Life - chia sẻ nhóm của chị đã làm một phiên chợ "0 đồng" ở Mường Ảng (Điện Biên). Xuất phát từ tình thương và nhìn thấy bà con hạnh phúc nên chị gọi là chợ "Hạnh Thương".
Sắm Tết không mất tiền
Chợ Hạnh Thương ở huyện Nậm Pồ lần này cơ man đồ An Giang mở phiên chợ 0 đồng, trao quà để người dân ăn TếtXuôi mái chèo về Cà Mau đi chợ Tết 0 đồngTết ấm áp hơn từ những phiên chợ 0 đồng
Quãng đường từ lán coi nương xuống chợ gần chục cây số. Đôi tất xỏ trong chiếc dép nhựa của lão nông ngoài 60 tuổi ướt nhoẹt vì sương giá, hai ống quần dày cộm cỏ may.
Đến chợ, ông Cu được hướng dẫn vào hàng phở miễn phí. Cả ngàn người đã xếp hàng kín gian phở. Không còn chỗ ngồi, ông Cu và hai ông bạn già bưng bát phở xì xụp ăn ngay tại sân chợ. Ông Cu chưa bao giờ được ăn bát phở ngon đến vậy. Hơi nóng thơm lừng bay trong sương làm ướt nhòe những ánh mắt hạnh phúc.
Hàng chục gian hàng đã sẵn sàng nhưng chưa phát phiếu. Lúc bà con ăn xong mới ra "mua" hàng. Ông Lèn Văn Cu và những hộ nghèo khác trong bản được phát hơn chục phiếu, cầm đầy cả tay. Bình quân mỗi phiếu sẽ "mua" được một món đồ.
Phiếu hồng là đồ hóa mỹ phẩm. Mang phiếu đến có đủ nước giặt, nước rửa bát thoải mái dùng qua Tết. Ấy thế lại còn được "mua" thêm quà mỹ phẩm cho bà vợ đang dắt trâu trên nương.
Chen chân đi hết cả một vòng chợ, ông Cu khệ nệ xách đầy một bao tải. "Có hai vợ chồng thì bằng này không phải sắm Tết nữa. Con cháu về thì đồ xôi, thịt gà thôi", người nông dân lam lũ xúc động, vác cái bao tải nặng bước về phía núi.
Ngày hội của dân huyện nghèo
Mặt trời lên, sương tan cũng là lúc cả sân chợ đông kín người. Anh cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện lẩm nhẩm rồi khẳng định chắc nịch: chợ không dưới 6.000 người. Có 3.000 hộ nghèo được nhận phiếu "mua" đồ Tết, 1.000 phụ nữ và 2.000 trẻ em, học sinh có phiếu.
Chị Phùng Vũ Uyên tất bật chạy hết gian hàng này qua gian hàng kia. Từ lúc có ý tưởng làm phiên chợ này, chị đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ kia. Số vốn ban đầu của nhóm chỉ vỏn vẹn 350 triệu đồng, đến khi phiên chợ được mở, tổng kinh phí mua hàng cho bà con lên tới hơn 11 tỉ đồng.
Một tháng trước khi mở phiên chợ, chị Uyên bay từ TP.HCM ra Điện Biên để khảo sát, và được làm việc cùng cán bộ chủ chốt của huyện, từ bí thư Huyện ủy cho tới lãnh đạo các phòng ban.
Chị cần gì, muốn huyện hỗ trợ gì cũng được đáp ứng. Tất cả vì một phiên chợ đầy ắp tình thương cho người nghèo đón Tết. Chị cũng bất ngờ khi thấy hàng ngàn nụ cười hạnh phúc của những người dân lam lũ đến chợ. Có những cái bắt tay cảm ơn, cổ tay áo vẫn dính đầy quả ké, gai móc ran rát.
Cả chợ có 11 gian hàng. Tất cả đều "mua" bằng phiếu, không dùng tiền. Có gian quần áo, hóa mỹ phẩm, nông cụ, đồ khô, gia vị, mắm muối, rau củ... Lại có thêm những gian đồ chơi, đồ dùng học tập cho học sinh, gian hàng kem, gà rán, xúc xích cho bọn trẻ, gian thịt quay cho người lớn...
Bất ngờ hơn với bà con là những gian hàng khô cá đặc sản từ miền Nam gửi ra. Và có cả gian hàng con giống cho bà con chăn nuôi. Cả nhóm vui vẻ giao cho một giám đốc doanh nghiệp lớn phụ trách gian con giống. 38 hộ được phát phiếu nhận giống được cán bộ từng xã bình chọn kỹ lưỡng. Nhà nào có thể nuôi được lợn sẽ được mua một đôi lợn giống. Nhà khác được mua một cặp dê, có nhà lại được con bò.
Vợ chồng Vàng A Dua, ở bản Nà Trì (xã Phìn Hồ, Nậm Pồ), ì ạch dong cặp dê từ chợ về nhà. A Dua nói nhà anh chưa nuôi dê bao giờ. Con dê tự biết kiếm ăn, không phải chăm như con lợn, con gà. A Dua muốn nuôi nhưng anh không đủ tiền mua giống. Cả năm thu được vài chục bao thóc chỉ đủ cả nhà không bị đói. Nương sắn cũng chỉ đủ tiền mua quần áo cho trẻ con đi học, tiền mua xăng cho cái xe máy. "Dê này sắp chửa rồi! - A Dua cười tít mắt - Ở trên bản "nó" (dân bản - PV) nuôi, mỗi lần đẻ được mấy đứa con. Sang năm lên nhà chơi nhé, mình sẽ có thêm mấy đứa con dê!".
Mọi người cười hết cỡ, hiền hòa nhìn từng cặp con gống được bế lên xe máy, khuất dần trong đám bụi đường.
Mang tình thương đi xây hạnh phúc
Trưởng nhóm Phùng Vũ Uyên tâm sự nhóm của chị 35 người, chủ yếu là thầy thuốc. Họ gặp nhau từ đợt dịch COVID-19, tập hợp nhau để làm những chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí.
Lúc bão Yagi tàn phá miền Bắc, họ kêu gọi ủng hộ, tặng quà, góp sức để bà con miền Bắc bớt khó khăn sau bão. Thế rồi họ nhận ra cần đưa những món quà của họ đến những nơi thực sự cần. Họ tìm hiểu bà con cần gì, họ sẽ giúp đỡ. Ấy thế mới có cây cầu "Hạnh Thương" ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Chị Uyên lý giải chữ "Hạnh Thương" là viết tắt của cụm từ "hạnh nguyện yêu thương". Đây là thông điệp chị muốn gửi gắm khi muốn giúp đỡ bà con bị thiệt hại do mưa lũ. Còn ở phiên chợ 0 đồng dành cho người nghèo sắm Tết, những người làm phiên chợ này có vốn là tình thương và muốn mua về những nụ cười hạnh phúc của người nghèo biên giới.