Cơ chế đặc biệt cho kinh tế tư nhân: Không áp dụng hồi tố để xử lý bất lợi cho DN

Tại Nghị quyết 68, Chính phủ đề xuất ưu tiên biện pháp xử lý dân sự, hành chính, cho phép doanh nghiệp chủ động khắc phục thiệt hại, đồng thời đề xuất không được áp dụng hồi tố để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết thể chế hóa 5 chính sách lớn được nêu chủ trương trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Gồm: cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

  Ưu tiên biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế thay cho xử lý hình sự 

Dự thảo Nghị quyết quy định việc thanh tra và kiểm tra với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần/năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.

Xử lý nghiêm hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn; Miễn kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật.

Đặc biệt, phân định rõ trách nhiệm pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân. Với các vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; tổ chức cá nhân vi phạm được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại.

Ngay cả với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước. Đây cũng là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp tiếp theo.

Cơ chế đặc biệt cho kinh tế tư nhân: Không áp dụng hồi tố để xử lý bất lợi cho DN- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).

Nghị quyết cũng quy định không áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản từ hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế.

Về cải cách thủ tục hành chính, các quy định tại dự thảo được xây dựng trên nguyên tắc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm tác động bất lợi trong công tác quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân: Mở đường cho đội ngũ doanh nghiệp lớn lênƯu tiên xử lý kinh tế thay vì hình sự không phải là nương nhẹ cho doanh nghiệp tư nhân

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, như giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về sử dụng ngân sách Nhà nước địa phương trong thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Để tháo gỡ nút thắt về tiếp cận vốn, tăng năng lực tài chính cho kinh tế tư nhân, dự thảo nghị quyết đưa ra một số giải pháp về hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho các dự án xanh, tuần hoàn, ESG; hỗ trợ tài chính qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu đãi thuế, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Miễn thuế thu nhập cá nhân 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển.

Chấm dứt hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 1/7/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.

Tránh "xin - cho", trục lợi chính sách

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban tán thành với phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68 tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ đề xuất.

Cơ chế đặc biệt cho kinh tế tư nhân: Không áp dụng hồi tố để xử lý bất lợi cho DN- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo ông Mãi, do thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày được Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán Nghị quyết số 68.

"Bảo đảm chất lượng, khả thi, không dẫn đến cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách; bảo đảm tinh thần đổi mới, cải cách, đột phá, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; quan tâm công tác hướng dẫn áp dụng và tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả", ông Mãi nêu.