Châu Âu mạnh tay với LNG Nga: Cấm tái xuất tại khắp các cảng EU nhưng đây là lý do Nga vẫn có thể 'bình chân như vại'

Lệnh cấm tái xuất LNG của Nga từ phía EU hiện đã chính thức có hiệu lực.

Theo Oilprice, lệnh cấm tái xuất LNG của Nga từ phía châu Âu đã chính thức có hiệu lực. Quy định này dừng việc chuyển giao tàu sang tàu tại các cảng của châu Âu dành cho người mua ở nước thứ 3 - một đòn đánh vào nguồn thu nhập từ năng lượng của Moscow.

Lệnh cấm tái xuất đã được thông qua vào T6/2024, chỉ nhắm vào các lô hàng LNG của Nga đi qua các cảng EU trên đường đến châu Á và các thị trường khác. Lệnh cấm này đã được hoãn thi hành đến 26/3/2025 đối với các hợp đồng được ký trước ngày 25/6/2024.

Tuy nhiên, các chuyến hàng trung chuyển dạng này chỉ chiếm 2,7 triệu tấn vào năm ngoái, tương đương với dưới 10% tổng lượng LNG xuất khẩu (34,7 triệu tấn) của Nga.

Trên thực tế, lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga của EU đã tăng 18% vào năm 2024. Theo Ember, dữ liệu tháng 2/2025 không có dấu hiệu chậm lại với trung bình 74,3 triệu m3/ngày, tăng 11% so với tháng trước đó.

Hoạt động xuất khẩu LNG của Nga phụ thuộc vào các cảng của EU từ tháng 11 đến tháng 6 vì lớp băng dày ngăn cản các tàu LNG truyền thống tiếp cận các nhà ga Bắc Cực của Yamal LNG thuộc nhà sản xuất khí đốt Novatek (Nga).

Hàng hóa được vận chuyển bằng tàu phá băng đặc biệt đến các trung tâm của EU, tại đây chúng được chất lại lên tàu thông qua phương thức chuyển hàng từ tàu sang tàu (STS) vào các tàu chở khí đốt thông thường và xuất khẩu sang các nước bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Novatek, nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga và là cổ đông chính của Yamal LNG, có các hợp đồng dài hạn để bán hơn 17 triệu tấn LNG mỗi năm cho châu Âu cho các công ty như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), các công ty dầu mỏ lớn Shell và TotalEnergies, công ty Đức Securing Energy For Europe (SEFE) và công ty giao dịch hàng hóa toàn cầu Gunvor.

Lệnh cấm vận chuyển LNG sẽ có tác động hạn chế do khối lượng nhỏ nhưng sẽ làm tăng chi phí cho các công ty Nga và gây trở ngại cho hoạt động hậu cần.

Charles Costerousse, nhà phân tích LNG cấp cao tại Kpler, cho biết: "LNG của Nga vẫn có thể dễ dàng được vận chuyển trong vùng biển của Nga tại Murmansk hoặc Kaliningrad hoặc đến các địa điểm tiềm năng khác ở Địa Trung Hải, giống như Nga đã làm đối với các sản phẩm thô và tinh chế của mình".

Nga là quốc gia sản xuất LNG lớn thứ tư thế giới với lượng xuất khẩu hàng năm là 34,7 triệu tấn vào năm 2024, tăng 4% vào năm 2023. Các nhà phân tích ước tính rằng khoảng 2,7 triệu tấn đã được tái nạp tại các cảng EU để xuất khẩu sang châu Á vào năm 2024.

EU không có kế hoạch ngay lập tức ngừng mua LNG của Nga. EU đã tuyên bố sẽ cố gắng cai nghiện khí đốt của Nga vào năm 2027, nhờ vào lượng xuất khẩu tăng từ Na Uy, Mỹ và Qatar.

Theo Oilprice