
Những người nhà bệnh nhi cùng khoa góp tiền hỗ trợ gia đình Nhân - Ảnh: C.T.
Hành trình chuyến xe cuối cùng đưa bé Nguyễn Tố Nhân về quê hương trong vòng tay yêu thương của gia đình, để lại những giọt nước mắt xúc động và câu chuyện kiên cường.
12h ngày cuối tháng 3, điện thoại báo tin nhắn hiện "BV NĐ2. CHUYEN XE KHONG MONG DOI". Tim tôi thắt nghẹn lại!
Chuyến xe cuối cùng: Về nhà mình con nhé!
"Khoa ung bướu huyết học có bệnh nhi nặng đang bóp bóng, xin về quê Hà Nam. Anh giúp đỡ một xe được không ạ?". Người gửi tin là chị Hồ Thị Kim Hằng, điều dưỡng trưởng khoa ung bướu huyết học Bệnh viện Nhi đồng 2.
Đính kèm là ảnh chụp giấy ra viện bệnh nhi nữ Nguyễn Tố Nhân, "xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam". Tôi đọc đến năm sinh mà nghẹn lại, Nhân mới 12 tuổi. Em đã kiên cường chống chọi đến phút cuối cả bệnh hiểm K máu, viêm phổi, động kinh, tổn thương não.
Nhiều tin nhắn khác sau đó nổi lên: "xe đang chất oxy", "xe đang đến"...
12h25 Hành lang khoa ung bướu huyết học nhốn nháo người qua lại. Cửa phòng cấp cứu bệnh nặng mở hờ một cánh. Giường bệnh giữa phòng là nơi Nhân nằm, người chi chít kim truyền. Một người phụ nữ khoảng 50 tuổi khóc không thành tiếng đang đứng bóp bóng thở cho em.
"Nhờ anh chuyển giúp ít đồng cho bé đi đường", người phụ nữ vừa nói vừa dúi tờ tiền. Góp tiền đi đường cho những bệnh nhi phải về quê như "thủ tục trái tim" của mọi người ở khoa. Tùy điều kiện người góp ít, góp nhiều.
"Về chuyến này là hết rồi đó. Mọi người chung nhau chút ít hỗ trợ gia đình chuyện mai kia".
13h15 Mọi thủ tục giấy tờ bệnh viện đã xong. "Chuyến xe không mong đợi" - chia sẻ yêu thương do báo Tuổi Trẻ hỗ trợ cũng vừa vào chân cầu thang ở khoa.
Nhân được chuyển từ giường sang cáng. Năm bảy người, đều là người nhà các bệnh nhi đang điều trị ở khoa, cùng đưa Nhân xuống sảnh. Theo sau là đoàn người rất đông, ai cũng bịn rịn.
13h20 Nhân được chuyển sang một băng ca khác, đẩy thẳng vào xe. Tôi cùng người nhà của em vội vã lên xe theo cùng.
Giữa "rừng" cánh tay vẫy chào của mọi người, bên cạnh người thân vây quanh, Nguyễn Tố Nhân rời khỏi bệnh viện. Dù đang hôn mê thế nhưng khóe mắt em đọng lại giọt nước mắt.
Còi hú xe cứu thương được bật lên. Xe hướng về cao tốc Bắc - Nam...
Chị Trương Thị Nguyệt (49 tuổi) - mẹ bé Nhân - òa khóc, gục hẳn người lên băng ca nơi con gái đang nằm. Bố Nhân, anh Nguyễn Văn Cương, 51 tuổi, nghiến chặt răng như thể không cho phép mình yếu đuối, tay cứ thế bóp bóng thở, lẳng lặng nhìn con. "Về nhà con nhé. Về quê mình có ông bà, cô dì, mọi người đang chờ", anh Cương thều thào bên tai con.
Ứng dụng chỉ đường hiển thị gần 1.600km, 32 giờ để về đến quê Nhân. Một hành trình rất dài, nặng trĩu nỗi lòng.
Con rất kiên cường và hiểu chuyện
14h20 Anh Cương sực nhớ trước đó điện thoại đã liên tục đổ chuông. 12 cuộc gọi nhỡ, từ "Bac Thanh", "Ông Ngoại", "Dì"... "Bệnh viện trả về rồi", anh Cương nghẹn ngào nói vào điện thoại. "Nhờ bác mua chịu giúp một cái nệm để Nhân về còn có cái nằm. Nệm thôi, không cần phải giường chiếu đâu. Mua chịu, em về rồi tính bác nhé", giọng anh Cương lại nghẹn...
Người bố kể vào TP.HCM lập nghiệp từ năm 1994 với nghề bán rau quả dạo. Khi vợ đưa con trai đầu lòng Nguyễn Đình Nhu (1998) vào sống cùng thì anh thuê sạp nhỏ ở chợ Linh Trung để bán rau cho ổn định.
Nhân vốn khỏe mạnh, tinh nghịch. Cho tới tháng 10-2022, khi đang học ở trường thì Nhân sốt. Anh đưa con đi viện khám, xét nghiệm nhiều lượt rồi phát hiện bệnh hiểm...
8 tuổi, độ tuổi quá bé để Nhân hiểu hết về những khó khăn, đau đớn mà mình sẽ phải chịu đựng thời gian tới từ căn bệnh ung thư máu. Còn với anh Cương, chị Nguyệt, mọi thứ gần như sụp đổ.
Anh không nhớ thời gian đầu bác sĩ đã nói gì, loáng thoáng chỉ biết bệnh của Nhân điều trị được "nếu hợp thuốc". Từ tháng 10-2022, Nhân bắt đầu vào thuốc toa đầu tiên...
Đáng lẽ ngày 10-4 này em có lịch điều trị duy trì, lần thứ 18. Nhưng rồi thứ hai 17-3 Nhân lên cơn co giật nhẹ khi đang ở trường. Anh Cương hốt hoảng đưa con vào viện, được chẩn đoán động kinh nhẹ, bác sĩ kê đơn uống thuốc rồi cho về. Thứ sáu 21-3, Nhân vẫn đi học bình thường. "Đón con bé học về thì nó nói sao mắt con cứ mờ dần, tôi đưa đi viện khám ngay. Thứ bảy lên viện rồi nhập viện luôn, đến nay chỉ bốn hôm mà ra nông nỗi này", anh Cương nghẹn nói...
Xe lúc này đã đến địa phận Phú Yên, hết bố đến mẹ, anh trai rồi chị gái thay nhau bóp bóng cho em. Trong cơn hôn mê, lâu lâu Nhân lại co giật, càng về sau co giật càng nhiều.
Chị Nguyệt cứ ôm lấy con: "Hôm trước mẹ lên, con còn xua tay bảo về, con nói con vẫn ổn, vẫn khỏe, bảo mẹ về lo bán buôn mà con". Người mẹ ôm con, nắm lấy bàn tay bé nhỏ và lay con vì sợ con rơi vào giấc ngủ cuối cùng. Trong cơn co giật, đôi tay em như nắm chặt lấy tay mẹ hơn.
Suốt hành trình, anh trai Nguyễn Đình Nhu cứ đan hai bàn tay vào nhau rồi đặt lên trước ngực như cầu nguyện. Với Nhu thì Nhân, cô em gái đáng thương và rất hiểu chuyện. Ngày đầy tháng con của anh trai, Nhân vẫn còn khỏe. "Cô trẻ" còn lên mạng đặt mua thú móc len tặng cháu.
"Muốn tặng quà đầy tháng cho cháu nhưng không biết mua gì, tặng gì nên còn nhắn tin hỏi, tự lên mạng đặt hàng, không ăn vặt để dồn tiền mua quà", Nhu vừa nói vừa mở những đoạn chat hai anh em nhắn tin qua lại.
Với anh Cương, Nhân là niềm tự hào, là đứa con cưng. Anh luôn tự hào về Nhân vì đang điều trị bệnh nhưng con vẫn học rất khá. Nhân viết chữ đẹp hơn nhiều so với anh trai, chị gái mình.
Suốt quá trình dài vào thuốc, xạ trị nhiều đau đớn nhưng Nhân rất mạnh mẽ. Em ít khóc, ít nũng nịu. Những trận vào thuốc khiến em mệt lả, người lừ đừ nhưng cũng chỉ đòi bố xoa lưng. Biết bố mẹ khó khăn, chi phí điều trị tốn kém, Nhân chưa một lần đòi phải mua thứ này, đồ kia.

Bé Nguyễn Tố Nhân và gia đình được báo Tuổi Trẻ hỗ trợ chuyến xe tình thương về lại quê nhà - Ảnh: C.T.
Con đã có những ngày cười vui
Dù rất thích được về quê, nhất là dịp Tết nhưng Nhân biết tốn kém lắm nên cũng chẳng dám xin về. Hai lần gần nhất em được về quê là vào năm 2017 tiễn anh trai đi nghĩa vụ quân sự và hồi tháng 7-2024 khi ông bà ốm. Và lần này, em về quê trên chuyến xe không mong đợi!
Ký ức vui vẻ của Nhân trong lần về quê hồi hè năm rồi còn đó. Khi đó anh Cương mang về quê một ít tiền, là tiền vợ chồng phải dành dụm từ rất lâu, mượn thêm của người dì để lợp mái tôn căn nhà ở quê. Lần đó Nhân còn hí hửng "choán" một gian phòng nhỏ trong nhà với dự định: "Con xin phòng này làm phòng riêng của con nhé. Con chẳng lấy chồng đâu, ở vậy nuôi bố mẹ".
Tết năm rồi gia đình không về quê. Để con gái vui nên anh Cương chở con về Vũng Tàu tắm biển. Đi được nửa đường thì chiếc xe máy cà tàng bị hư, cha con đẩy bộ suốt chặng đường dài. Mệt vì đầu năm đã hư xe, Nhân còn tếu táo nói "năm nay xui rồi bố ơi". Ký ức về con gái cứ thế được người bố nghèn nghẹn thuật lại.
6h40 sáng, xe đến Huế, Nhân lên cơn co giật mạnh rồi em ra đi giữa vòng tay yêu thương của gia đình khi chuyến xe mới được hơn nửa hành trình...
16h kém cùng ngày 27-3, chuyến xe vào cổng thôn Tế Cát. Hành trình kết thúc sau 27 giờ.
Xe cấp cứu dừng lại đầu cổng. Họ hàng, xóm làng vây quanh xe, yêu thương đón em trở về với quê hương mình.
Lúc được ôm con lần cuối trước khi đóng lại, người cha rưng rưng để vào đó sách vở, truyện tranh của con. "Cho con để vào, mai khỏe con gái còn có cái để học ở nơi nào đó". Và cánh én nhỏ Nguyễn Tố Nhân đã bay lên trời cao rồi...
Chương trình "Ước mơ của Thúy" được báo Tuổi Trẻ thực hiện vào tháng 9-2007 từ ước nguyện của Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM Lê Thanh Thúy - bệnh nhân ung thư xương. Qua 17 năm, chương trình đã tiếp nhận và kết nối hỗ trợ hơn 55,1 tỉ đồng cho hơn 56.700 bệnh nhi ung thư với nhiều chương trình đặc biệt đã thực hiện.
Trong đó chương trình "Chuyến xe không mong đợi và thực hiện ước nguyện cho bệnh nhi" từ tháng 11-2007 giúp các gia đình có bé bệnh nặng sắp mất và muốn về quê mà không có khả năng. Đầu năm 2011 đến nay, chương trình đã hỗ trợ các chuyến xe miễn phí hoàn toàn để đưa các bé có hoàn cảnh quá khó khăn về lại quê nhà. Chi phí bình quân từ 180 - 200 triệu đồng/năm, đến nay chương trình đã hỗ trợ khoảng 1.618 chuyến xe miễn phí và tặng 6.200 phần quà ước nguyện cho bệnh nhi...
