Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đổi tiền, thuê khách sạn dịp nghỉ Tết

Dịp Tết nhiều người có nhu cầu đổi tiền mới, tiền có số seri "đẹp" để mừng tuổi, do đó, một số đối tượng lừa đảo đã lợi dụng việc này để chiếm đoạt tiền đặt cọc, thậm chí, có nguy cơ bị cướp tài sản khi hẹn gặp tại những nơi vắng vẻ.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đổi tiền, thuê khách sạn dịp nghỉ Tết- Ảnh 1.

Nhiều bài viết đăng tải trên Facebook quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới. Ảnh chụp màn hình.

Cảnh giác với đổi tiền qua mạng

Nhu cầu đổi tiền mới , tiền lẻ để lì xì, đi lễ chùa đầu năm của người dân tăng cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nắm bắt điều này, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các hội, nhóm như "đổi tiền mới, tiền lẻ, tiền lì xì phí rẻ", "đổi tiền mới", "đổi tiền mới, tiền lì xì"...

Tại các hội nhóm này đăng tải hàng loạt các bài viết quảng cáo đổi tiền với các mệnh giá 1 nghìn đồng, 2 nghìn đồng, 5 nghìn đồng, 10 nghìn đồng, 20 nghìn đồng, 50 nghìn đồng, 100 nghìn đồng... thậm chí là 2 USD. Các mức phí đổi tiền tùy thuộc vào mệnh giá tiền và có số seri đẹp hay không, hoặc đổi theo từng "tép", "bó" "thiếp", "cọc"...

Theo tài khoản D.T.N.N đối với các mệnh giá 20 và 50 nghìn đồng thì chi phí đổi là 6%. Đối với tiền "lướt" đã qua sử dụng thì chi phí đổi sẽ thấp hơn.

Ngoài ra, đối với những người muốn đổi tiền họ sẽ liên hệ riêng qua tin nhắn rồi gửi ship - giao hàng và phải đặt cọc trước.

Vừa qua, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh tiếp tay cho các hành vi lừa đảo . Đồng thời chỉ nên sử dụng các dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc các cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp.

Bên cạnh đó trước khi giao dịch, người dân hãy kiểm tra các phản hồi từ khách hàng cũ, các đánh giá hoặc các chứng chỉ pháp lý của dịch vụ. So sánh tỷ giá chênh lệch với thị trường, không tin vào những dịch vụ tỷ giá quá cao so với thị trường và cảnh giác với các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng.

Khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đổi tiền, thuê khách sạn dịp nghỉ Tết- Ảnh 2.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đổi tiền, thuê khách sạn dịp nghỉ Tết- Ảnh 3.

Các bài viết quảng cáo có đủ mệnh giá tiền với chi phí đổi thấp. Ảnh chụp màn hình.

Nguy cơ bị phạt tới 40 triệu đồng

Liên quan đến vấn đề pháp lý khi đổi tiền lẻ, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Công ty luật ICC cho biết, dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân để mừng tuổi và đi lễ tăng cao. Từ đó, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới cũng xuất hiện với nhiều hình thức và có thu phí chênh lệch.

Theo luật sư Tùng, tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi "thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật" .

"Có thể thấy việc đổi tiền lẻ, tiền mới không thuộc trường hợp thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và không do các Cơ quan được giao trách nhiệm thực hiện như Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi như Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước là có dấu hiệu không hợp pháp, có thể bị xử phạt 20 - 40 triệu đồng" - luật sư Tùng cho biết.

Vị luật sư cho biết thêm để tránh bị xử phạt một số người cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới thường sử dụng mạng xã hội như Facebook và yêu cầu người đổi phải chuyển tiền đặt cọc trước dẫn đến nguy cơ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo. Do đó, người dân cẩn trọng, tuyệt đối không nên chuyển trước tiền đặt cọc cho người cung cấp dịch vụ đổi tiền qua intenet hoặc qua Facebook.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đổi tiền, thuê khách sạn dịp nghỉ Tết- Ảnh 4.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lừa đảo đặt phòng khách sạn qua mạng

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, người dân có xu hướng du xuân kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng và thường tìm kiếm thông tin về khách sạn, villa... để đặt phòng nghỉ qua mạng xã hội.

Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm, họ sẽ nhanh chóng có được hàng loạt địa điểm khách sạn, hình ảnh lẫn giá cả dịch vụ liên quan. Nắm bắt nhu cầu đó, thời gian qua xuất hiện các chiêu trò lừa đảo giả mạo Facebook hoặc trang web của khách sạn để lừa nạn nhân chuyển tiền đặt cọc.

Theo Công an TP Hà Nội, các đối tượng sẽ liên hệ qua tin nhắn Messenger, Zalo để giới thiệu về các dịch vụ đi kèm mà khách du lịch quan tâm và mời chào với mức giá quá rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường. Thủ đoạn này khiến du khách nhầm tưởng đối tượng là chủ hoặc nhân viên của khách sạn, villa, homestay.

"Để tăng thêm sự tin tưởng, các đối tượng còn chụp hình, quay video thậm chí livestream khu nghỉ cho khách xem. Khi đồng ý với giá thuê phòng, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc từ 30-50% giá trị thuê phòng" - Công an TP Hà Nội cho biết.

Điển hình, chị C. (trú tại Sơn Tây, Hà Nội) đặt phòng trên trang Facebook giả mạo khách sạn tại Tam Đảo và chuyển hơn 10 triệu đồng để đặt cọc tiền phòng. Tuy nhiên khi đến khách sạn thì chị được thông báo không có tên đặt phòng của mình. Khi kiểm tra lại thì chị phát hiện đã đặt nhầm tại trang Facebook giả mạo.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng. Nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín. Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ.

"Người dân nên kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, lấy số điện thoại của khách sạn gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc. Cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn so với giá chung của thị trường" - Công an TP Hà Nội khuyến cáo.