Cấm thuốc lá điện tử từ 2025: Phạt cả người bán và người dùng?

Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... từ năm 2025.
Cấm thuốc lá điện tử từ 2025: Phạt cả người bán và người dùng? - Ảnh 1.

Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử tại Việt Nam gia tăng nhanh trong những năm gần đây - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Bộ Y tế đang lấy ý kiến đề xuất bổ sung quy định về Nhận diện thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như thế nào?Cấm thuốc lá điện tử, bắt đầu 'cuộc chiến mới'

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cần xây dựng chiến lược hành động mạnh mẽ để thực thi cấm các loại thuốc lá mới vào năm 2025. Việc đầu tiên cần làm là tập trung ngăn chặn nguồn cung ứng, nhập lậu tại cửa khẩu, điểm bán, đặc biệt trên không gian mạng.

"Các sản phẩm hiện nay chủ yếu phân phối trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Việt Nam cần tập trung ngăn chặn buôn bán và quảng cáo trên mạng xã hội", ông Lâm nhấn mạnh. Cũng theo chuyên gia này, mức phạt hành vi sản xuất, buôn bán, quảng cáo hàng cấm đã có quy định. Đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể áp dụng mức phạt này.

Xử phạt cả người sử dụng, tàng trữ thuốc lá thế hệ mới?

Chia sẻ về quy định xử phạt có thể áp dụng ngay khi quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hiệu lực, Ths Phan Công Hiếu, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho hay có thể thực hiện theo quy định xử phạt hành chính và hình sự với hành vi sản xuất, chứa chấp và vận chuyển hàng cấm.

Bộ luật Hình sự có điều 190 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, với mức phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Điều 191 quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, với mức phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

"Tuy nhiên chưa có quy định pháp luật cũng như chế tài xử lý hành vi sử dụng hàng cấm, tức chưa có quy định xử phạt hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đang đề xuất xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. 

Trong đó dự kiến bổ sung hành vi "chứa chấp", "sử dụng" thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người", ông Hiếu cho hay.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cũng cho biết theo đề xuất, Bộ Công Thương tiếp nhận thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… do người dân giao nộp trước ngày 1-1-2025 và tiêu hủy. 

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng….

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập các chuyên án, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…, khởi tố, truy tố trước pháp luật.

Về xử lý vi phạm, Bộ Y tế đề xuất UBND các tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm gây hại khác.

Cấm thuốc lá điện tử từ 2025: Phạt cả người bán và người dùng? - Ảnh 2.

Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang được khuyến nghị xử phạt nặng - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Kinh nghiệm cấm thuốc lá điện tử của Singapore

Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới, TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) - cho hay từ năm 2014 Singapore bắt đầu có quy định cấm toàn diện, bao gồm cấm sử dụng, nhập khẩu, sản xuất, quảng cáo.

Tại Singapore, việc sử dụng, sở hữu hoặc mua bán bất kỳ sản phẩm dạng sản phẩm mô phỏng/ bắt chước thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, bị xử phạt hành chính tới 2.000 đô la Singapore.

Việc nhập khẩu, phân phối, mua bán, chào bán, sở hữu để bán, quảng cáo… bị phạt lần đầu tới 10.000 đô la Singapore/phạt tù có thời hạn tới 6 tháng hoặc cả hai. Các lần vi phạm tiếp theo, phạt tiền lên tới 20.000 đô la Singapore/phạt tù tới 12 tháng hoặc cả hai.

Bên cạnh đó, Singapore còn triển khai giám sát tình trạng mua, bán và sử dụng thuốc lá mới từ kênh trực tuyến từ các ứng dụng nhắn tin như Telegram hoặc khi người dân đi ra nước ngoài.

Ngoài ra, để ngăn chặn thanh thiếu niên hút thuốc lá mới, từ tháng 3-2024, tất cả những người vi phạm (bao gồm vi phạm lần đầu trong trường học và cơ sở giáo dục) bị bắt quả tang mua, sử dụng và tàng trữ thuốc lá điện tử sẽ được chuyển đến Cơ quan Khoa học sức khỏe (HSA) và phải chịu khoản tiền phạt tới 2.000 đô la.

HSA còn giám sát các trang bán lẻ trực tuyến địa phương, nền tảng truyền thông xã hội và ứng dụng nhắn tin để phát hiện hành vi nghi ngờ bán các sản phẩm bị cấm và các thiết bị. Đồng thời, làm việc với các trang thương mại điện tử liên quan như Instagram, Facebook, Carousell để xóa, gỡ các điểm bán hàng, quảng cáo ngay khi phát hiện.

"Chính nhờ chính sách kiểm soát chặt chẽ này, chỉ riêng năm 2021, 4.210 bài đăng trực tuyến về việc bán thuốc lá mới bất hợp pháp đã bị xóa khỏi các nền tảng mạng xã hội. Năm 2022 hơn 2.600 điểm bán thuốc lá mới online đã được gỡ bỏ.

Từ 2018 - 2022, 860 người bị bắt do bán và nhập lậu thuốc lá mới và 145 người bị khởi tố", TS Hạnh thông tin.

Theo TS Hạnh, xuất phát điểm về tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam khá cao ở trẻ vị thành niên, có địa phương chiếm 5-10%.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia, TS Hạnh khuyến nghị cần quy định mức xử phạt các hành vi sử dụng, mua, bán, vận chuyển, chứa chấp, nhập lậu, sản xuất, quảng cáo thuốc lá mới; các hình thức xử phạt phù hợp nhưng nghiêm khắc với học sinh.

Đặc biệt, cần sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật và người dân trong phát hiện, gỡ bỏ các hoạt động bán hàng, quảng cáo thuốc lá mới trực tuyến.

"Bên cạnh đó, cần có chương trình hỗ trợ cai nghiện, giám sát tình hình sử dụng; thiết kế dịch vụ hỗ trợ cai nghiện phù hợp", TS Hạnh khuyến nghị.

Cấm thuốc lá điện tử từ 2025: Phạt cả người bán và người dùng? - Ảnh 3.Bộ Y tế đề xuất xử phạt người hút thuốc lá điện tử

Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đang đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với việc chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.