
Lượng xe cộ lớn từ đường Cầu Giấy đi vào khu vực bên trong vành đai 1 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Đến năm 2028, ô tô cá nhân chạy xăng dầu sẽ bị hạn chế tại các tuyến đường trong vành đai 1 và 2, từ năm 2030 sẽ mở rộng đến vành đai 3, hướng tới chấm dứt xe cá nhân chạy xăng ở trung tâm đô thị.
Đây là bước đi quyết đoán để Hà Nội chuyển mình thành đô thị xanh, bền vững và đáng sống hơn.
Thực tế cho thấy Ngành điện cảnh báo những rủi ro khi sạc xe điện
Một số ý kiến cho rằng việc cấm xe máy chạy xăng sẽ ảnh hưởng đến người nghèo và người lao động phổ thông - những người phụ thuộc nhiều vào loại xe này.
Nhưng cần thấy rõ: chủ trương không được thực hiện đột ngột mà có lộ trình dài đến năm 2030.
Đồng thời các chính sách hỗ trợ như cho vay ưu đãi, trợ giá xe máy điện, thu hồi xe cũ, giảm lệ phí trước bạ... cũng đang được xây dựng.
Nếu không hành động hôm nay, chính người nghèo mới là những người chịu thiệt thòi lớn nhất từ ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tai nạn giao thông.
Một mối lo ngại khác là hệ thống giao thông công cộng chưa đủ mạnh để thay thế xe cá nhân. Nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế rằng chính lệnh cấm này sẽ tạo ra áp lực và động lực cải cách.
Khi không còn lựa chọn nào khác, TP sẽ phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào metro, xe buýt điện, minibus nội đô, tích hợp vé điện tử và xây dựng các tuyến trung chuyển hợp lý.
Không phải chờ hạ tầng hoàn thiện rồi mới cấm, mà chính quyết định cấm là "cú hích" để hạ tầng phát triển.
Cũng có người cho rằng văn hóa xe máy đã ăn sâu vào nếp sống đô thị của người Việt. Điều này không sai, nhưng không thể lấy thói quen để trì hoãn tiến bộ. Paris, London, Bắc Kinh... đều đã từng phụ thuộc nặng nề vào xe cá nhân, và họ đã dũng cảm thay đổi để trả lại không gian sống cho người dân. Hà Nội không thể là ngoại lệ nếu muốn trở thành một thủ đô hiện đại của thế giới.
Tất nhiên để chủ trương này thành công rất cần đồng bộ các chính sách đi kèm: hỗ trợ người dân chuyển đổi xe; phát triển nhanh, mạnh và thông minh hệ thống giao thông công cộng; xây dựng hạ tầng sạc điện và trung chuyển hợp lý; đồng thời tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận xã hội.
Đây là thời điểm cần sự vào cuộc quyết liệt và có tầm nhìn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ trương cấm xe máy xăng từ 1-7-2026 tiến tới hạn chế toàn bộ xe cá nhân chạy nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 không chỉ là một chính sách kỹ thuật.
Đó là một lời tuyên bố rõ ràng rằng Hà Nội đang đặt môi trường sống, sức khỏe cộng đồng và tương lai phát triển bền vững lên hàng đầu. Lịch sử sẽ nhớ tới quyết định này như một bước ngoặt trong hành trình kiến tạo đô thị xanh của Việt Nam.
Hành trình đã bắt đầu và không được phép chậm trễ. Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà cần trở thành không gian sống lý tưởng cho chính người dân của mình. Quyết định hôm nay là bước khởi đầu cho hành trình đó.
