Bệnh nhi 5 tuổi mắc ung thư hiếm gặp được điều trị thành công

Một bệnh nhi 5 tuổi mắc sarcôm cơ vân cạnh hậu môn dạng ung thư hiếm gặp ở trẻ em đã được điều trị thành công bằng kỹ thuật xạ trị áp sát tại Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM.

2 bệnh viện phối hợp điều trị

Ngày 9/7, tin từ Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM cho biết, bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật xạ trị áp sát trong mô cho một bệnh nhi 5 tuổi mắc sarcôm cơ vân cạnh hậu môn – một ca bệnh hiếm gặp và có nhiều thách thức trong điều trị.

Bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) sau khi hai đơn vị tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa trực tuyến.

Bệnh nhi sinh tháng 6/2020 tại Hà Nội, đã trải qua các giai đoạn chẩn đoán, hóa trị và phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau đó, bé được chuyển vào Tp.HCM để tiếp tục điều trị bằng kỹ thuật xạ trị áp sát xuyên mô nạp nguồn sau suất liều cao, thực hiện từ ngày 23 đến 25/6.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhi được gây mê, đặt các ống dẫn nguồn phóng xạ vào vị trí tổn thương, chụp CT mô phỏng và lập kế hoạch xạ trị tối ưu. Bé trải qua tổng cộng 5 lần xạ trong 3 ngày, mỗi lần kéo dài hơn 4 phút. Điều trị kết thúc chiều 25/6 và bệnh nhi được xuất viện ngày 26/6 trong tình trạng ổn định, không ghi nhận tác dụng phụ nào.

Bệnh nhi 5 tuổi mắc ung thư hiếm gặp được điều trị thành công- Ảnh 1.

Ê kíp thực hiện điều trị cho bệnh nhi được khen thưởng (Ảnh: BVCC).

Theo các bác sĩ, xạ trị áp sát mang lại nhiều lợi thế trong điều trị các trường hợp như trên nhờ khả năng phân bố liều xạ chính xác, liều phóng xạ vào các cơ quan lành xung quanh rất thấp, từ đó giảm thiểu tối đa tác dụng phụ.

Phương pháp này còn có độ chính xác cao và thời gian điều trị ngắn, chỉ kéo dài khoảng 3–5 ngày, so với 4–5 tuần nếu áp dụng xạ trị ngoài. Tuy nhiên, việc thực hiện xạ trị áp sát cho bệnh nhi đòi hỏi phải có hệ thống trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao.

Sarcôm cơ vân là một loại ung thư hiếm gặp ở trẻ em, với tỷ lệ mắc chỉ khoảng 4–7 ca trên mỗi 1 triệu trẻ mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng số ca ung thư trẻ em, chủ yếu xảy ra ở nhóm dưới 10 tuổi.

Tỉ lệ khỏi bệnh có thể đạt 65-80 % nếu chưa di căn

Điều trị sarcôm cơ vân ở trẻ em là phối hợp đa mô thức bao gồm hóa trị, phẫu trị, xạ trị, phối hợp đa chuyên khoa Ung bướu, Nhi, Giải phẫu bệnh, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê, Dinh dưỡng để có kế hoạch điều trị tốt nhất cho bé.

Tiên lượng bệnh được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Đối với những ca bệnh chưa di căn, tỉ lệ khỏi bệnh có thể đạt đến 65-80%.

Bệnh nhi 5 tuổi mắc ung thư hiếm gặp được điều trị thành công- Ảnh 2.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu thăm hỏi động viên bé trước xuất viện. (Ảnh: BVCC).

Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM thực hiện xạ trị áp sát cho 5 bệnh nhi mắc sarcôm cơ vân tại nhiều vị trí khó như cổ bàng quang, lưỡi, âm đạo... Kết quả điều trị rất khả quan, tất cả bệnh nhi hiện đều ổn định, không gặp phải tác dụng phụ liên quan đến xạ trị.

Việt Nam và Cuba thúc đẩy hợp tác công nghệ y sinh điều trị ung thư, đột quỵĐà Nẵng ghép tế bào gốc thành công cho bệnh nhân ung thư máu"Bà nội chất chơi" U70: 14 năm kiên cường vượt qua ung thư

Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM, thành công này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa, bao gồm: Xạ trị phụ khoa, Xạ trị đầu cổ – tai mũi họng – hàm mặt, Gây mê hồi sức và Ung bướu nhi.

Trong vòng 3 ngày điều trị, các bệnh nhi đã được thực hiện 5 lần xạ trị với độ chính xác cao, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc kiểm soát khối u.

Đặc biệt, phương pháp điều trị này giúp bảo tồn tối đa chức năng các cơ quan quan trọng, như hậu môn, góp phần nâng cao chất lượng sống lâu dài cho trẻ.

Ban Giám đốc bệnh viện đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn và sự phối hợp hiệu quả của toàn bộ ê kíp điều trị. Tập thể y bác sĩ tham gia ca điều trị cũng đã được bệnh viện tuyên dương, khen thưởng kịp thời.

Nguyễn Lành