Mở các thiết bị điện tử ngay khi thức dậy
Việc sử dụng điện thoại hoặc máy tính ngay khi thức dậy có thể gây căng thẳng tâm lý và ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ.
Theo nghiên cứu từ Frontiers in Psychiatry, việc tiếp xúc với màn hình điện thoại vào buổi sáng làm tăng mức cortisol - hormone liên quan đến căng thẳng. Điều này khiến cơ thể dễ mệt mỏi hơn trong ngày.
Ngoài ra, ánh sáng xanh từ màn hình điện tử làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, đặc biệt nếu thói quen này kéo dài từ sáng sớm đến tối muộn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã chỉ ra việc sử dụng quá mức các thiết bị điện tử có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu và trầm cảm.
Thay vì kiểm tra điện thoại, hãy dành 10-15 phút để thiền hoặc hít thở sâu, giúp cơ thể và não bộ khởi động tự nhiên hơn.
Uống cà phê ngay khi thức dậy
Nhiều người uống cà phê ngay khi thức dậy vì nghĩ rằng thói quen này sẽ giúp tăng cường năng lượng. Tuy nhiên, tiêu thụ caffeine ngay lập tức có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất cortisol tự nhiên của cơ thể, dẫn đến tăng lo âu, thay đổi tâm trạng và rối loạn giấc ngủ nếu uống quá mức.
Bạn nên đợi đến sáng muộn mới thưởng thức cà phê để có kết quả tốt hơn cho sức khỏe.
Nhấn nút báo lại trên đồng hồ báo thức
Việc nhấn nút báo lại khi đồng hồ báo thức reo vào mỗi buổi sáng sẽ mang đến nhiều áp lực và khiến bạn mệt mỏi hơn khi bắt đầu ngày mới. Đó là bởi vì khi nhấn nút báo lại, bạn đã vô tình giảm bớt thời gian cần thiết để cơ thể chuẩn bị tinh thần và đón nhận một ngày mới sắp đến.
Bỏ bữa sáng
Bỏ bữa sáng giúp giảm cân là quan niệm sai lầm. Thực tế, những người bỏ bữa sáng thường ăn quá nhiều vào cuối ngày, dẫn đến béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.
Nghiên cứu cho thấy những người ăn sáng thường tiêu thụ nhiều dưỡng chất thiết yếu hơn và duy trì cân nặng hợp lý hơn. Do đó, ưu tiên ăn sáng là rất quan trọng cho sức khỏe toàn diện.
Không uống nước
Buổi sáng là thời điểm cơ thể bị mất nước nhẹ sau một đêm dài. Không uống nước hoặc uống nước sai cách (như nước lạnh hoặc nước có ga) có thể làm giảm chức năng trao đổi chất và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Theo bài nghiên cứu đăng tạp chí Nội tiết lâm sàng và Chuyển hóa (Mỹ), uống nước ấm ngay sau khi thức dậy giúp tăng tốc độ trao đổi chất lên đến 30%, đồng thời kích thích lưu thông máu và hỗ trợ hệ tiêu hóa. WHO cũng nhấn mạnh vai trò của việc bổ sung đủ nước để duy trì sự cân bằng điện giải, ngăn ngừa nguy cơ sỏi thận và hỗ trợ chức năng gan.
Thay vì bỏ qua nước hoặc uống sai cách, hãy uống một cốc nước ấm (200-300 ml) vào buổi sáng để giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn.
Minh Hoa (t/h)