Kris còn mỉa mai rằng khi nào mình chết, bia mộ mình sẽ khắc mấy dòng đầu của bài hát đó: "Như chú chim trên dây điện/ Như kẻ say xỉn trong dàn hợp ca đêm/ Tôi đã cố hết mình để tự do tự tại". Leonard Cohen mất 5 năm trước.
Năm nay, Kris cũng qua đời. Mọi tranh chấp hơn thua cũng lùi vào cõi không.
Cố hết mình để tự do tự tại
Là một trong những nghệ sĩ đồng quê tiên phong thoát khỏi "hệ tư tưởng" nhạc đồng quê vùng Nashville, Kris mang đến một thứ nhạc đồng quê thô ráp, luôn ngập tràn những cơn đau đầu, những cơn váng vất sau trận say đêm trước, những đêm khó ngủ, những ngày lộn xộn...
Sau rốt, dù vô tình hay cố ý thì cả cuộc đời mình Kris cũng đã sống như câu hát mà ông mỉa mai của Cohen: "cố hết mình để tự do tự tại". Hoặc có lẽ những nghệ sĩ lớn dù ghét nhau đến mấy thì họ cũng gần nhau hơn là xa nhau.
Sự ra đi đồng loạt của họ khiến ta đột nhiên nhận ra những con người theo đuổi những thứ âm nhạc khác xa nhau, chẳng chút liên quan gì, hóa ra đều thuộc cùng một thế hệ cả, và có lẽ cũng có những kinh nghiệm chung về lịch sử.
Chẳng hạn, nhạc trưởng Seiji Ozawa chỉ hơn Kris 1 tuổi.
Một người sinh ra ở Thẩm Dương (Trung Quốc), một người sinh ra ở Texas (Mỹ). Âm nhạc của họ không thể khác hơn. Nhưng đâu đó họ vẫn gặp nhau ở tinh thần tự do, làm những thứ không ai làm.
Ozawa là một trong những người châu Á đầu tiên được nhận diện trong nhạc cổ điển, một người da vàng đầu tiên có thể cạnh tranh trình diễn Tchaikovsky hay Beethoven - thứ âm nhạc vốn mang tâm hồn phương Tây.
Ozawa thổi phương Đông vào đó, chú trọng những xử lý vi tế thay vì tính hào hùng, chọn phong cách dẫn dắt tối giản thay vì tạo kịch tính.
Lần cuối dạo bước khu vườn xúc cảm
Hay một trường hợp bạn đồng trang lứa khác: nữ danh ca Françoise Hardy và nghệ sĩ dương cầm Maurizio Pollini. Thật khó tưởng tượng họ đều do một châu Âu sản sinh ra trong cùng một thời điểm.
Nếu như danh ca Pháp là hiện thân của cuộc đời hào hứng, của niềm vui sống vô tư, của những người trẻ tuổi nghêu ngao hát ngay cả khi lời ca không có nghĩa (bà dẫn đầu phong trào yeye); thì dương cầm thủ Ba Lan lại là hiện thân của nội tâm lớp lớp, của trí tuệ trùng trùng, của sự kiệm ngôn, của kỷ luật và thậm chí là khổ hạnh.
Pollini mất tháng 2, đến tháng 10 thì đĩa ghi âm cuối cùng của ông và con trai Daniele Pollini phát hành, chỉ toàn các bản nhạc của Schubert.
Trong số đó, ông chơi Moments Musicaux, những tiểu phẩm cho piano mà Schubert sáng tác vào những năm sắp lìa xa trần thế.
Những giai điệu đẹp, nên thơ (như vẫn luôn vậy) trôi chảy giữa mọi cung bậc xúc cảm: niềm vui, nỗi buồn, sự bình yên, lòng khao khát, sự mộng mơ, cả những cơn bão lòng.
Nhưng mọi sắc thái ấy đều diễn ra thong dong, như thể người nghệ sĩ một lần nhìn lại mọi rung động ta đã thấy trong đời, lần cuối dạo bước khu vườn xúc cảm.
Với Hardy, album cuối Personne d'autre (2018) cũng có vẻ trầm mặc hơn, suy nghiệm hơn, niềm vui sống vô điều kiện đã được thay bằng một nội lực lớn lao chỉ có thể thấy ở một người cao tuổi, đã trải qua hết, đã trông thấy hết.
Và chắc chúng ta cũng không thường nghĩ đến việc nhạc sĩ Pháp Charles Dumont cùng nhà sản xuất người Mỹ Quincy Jones đâu đó cũng đồng trang lứa, chỉ hơn kém nhau 4 tuổi mà thôi.
Âm nhạc của Quincy Jones phóng khoáng, phá đổ mọi ranh giới giữa các thể loại, mở đường cho những thử nghiệm mới; trong khi đó, âm nhạc của Charles Dumont là những bản ballad mang di sản lãng mạn cổ điển của nước Pháp, là sự nối dài của ký ức, của quá khứ.
Có gì đó hơi kỳ lạ khi nghĩ về việc bản Non, je ne regrette rien mà Dumont sáng tác và được huyền thoại hóa qua tiếng hát của Édith Piaf lại ra đời cùng thời kỳ với những đĩa nhạc bossa nova của Quincy Jones.
Thế mà, với tất cả những khác biệt ấy, họ giờ đây đều lầu lượt đi về bên kia thế giới. Không biết họ có tụ tập thành bàn tròn thảo luận về thế nào mới là âm nhạc đích thực?
Dù sao đi nữa, họ đã đều gặp nhau ở hai sự thật: một là sự hữu tử của con người, và hai là sự bất tử của âm nhạc.